Lãnh đạo HEM tham dự diễn đàn đấu thầu qua mạng năm 2018

Nếu thực hiện 100% đấu thầu qua mạng, ngân sách có thể tiết kiệm 40.000 tỉ đồng/năm, chưa kể lợi ích khác

Ngày 8-8, tại Diễn đàn Đấu thầu qua mạng 2018, Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia – Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cho biết tỉ lệ tiết kiệm đạt được trong đấu thầu qua mạng lên tới 9%.

Tiết kiệm 9%

Phát biểu tại diễn đàn, ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, cho biết được thử nghiệm trong 6 năm và chính thức triển khai trên toàn quốc từ năm 2016, hệ thống mạng đấu thầu quốc gia vận hành bởi Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia, đến nay đã có 23.000 gói thầu được đấu thầu qua mạng. Chỉ trong 7 tháng đầu năm 2018, có 8.900 gói thầu được đấu thầu qua mạng, chiếm 18% các gói thầu diễn ra trong cả nước, tăng cao so với năm 2017 (chỉ đạt 11%) và 2016 (5%). Quá trình thực hiện thể hiện đấu thầu qua mạng là công cụ khá hiệu quả để giảm thiểu tiêu cực nhũng nhiễu trong đấu thầu, để sử dụng tích cực hiệu quả hơn nguồn lực của nhà nước.

Ông Hà Tiến Lực, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chế tạo điện cơ Hà Nội, chia sẻ qua gần 6 năm tham gia đấu thầu qua mạng, hiệu quả mang lại cho doanh nghiệp (DN) rất cao, vừa tiết kiệm thời gian, đỡ nhiều công sức, tiền bạc vừa bảo đảm sự công bằng.

“Với DN, quan trọng nhất là cạnh tranh công bằng, hạn chế góc khuất. Đấu thầu trực tiếp có nhiều phiền hà, sai sót, tính cạnh tranh nhiều khi không cao, thiếu công bằng. Còn đấu thầu qua mạng qua thực tế DN đã chứng minh tính sòng phẳng: sản phẩm tốt, chất lượng rẻ sẽ được lựa chọn. Cụ thể, gần đây, chúng tôi tham gia cung cấp thiết bị điện do Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội mời thầu, các đợt mở thầu, mua sắm lẻ… chúng tôi đều tham gia” – ông Lực phấn khởi.

Bà Hà Ngọc Châu, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Sơn La, cho biết hiệu quả sau đấu thầu tỉ lệ giảm giá rất cao, có gói giảm tới 9,5% giá trị gói thầu mà vẫn bảo đảm chất lượng, tiến độ.

Trưởng Ban Quản lý đấu thầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Phạm Thúy Hà nhấn mạnh đấu thầu qua mạng từ đầu năm đến nay chiếm 57% tổng gói thầu của EVN. Trước chủ yếu thực hiện gói quy mô nhỏ nhưng nay có quy mô lớn hơn, gói lớn nhất gần đây tới gần 200 tỉ đồng.

Theo ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở KH-ĐT TP Đà Nẵng, đấu thầu truyền thống tồn tại nhiều yếu tố tiêu cực, tham nhũng, các nhà thầu liên kết với nhau “anh chỗ này tôi chỗ kia” chia sẻ thị trường. Khi đấu thầu qua mạng, thông tin về số lượng, danh tính các nhà thầu nộp thầu đều được bảo mật tuyệt đối trước thời điểm mở thầu, các nhà thầu độc lập và cạnh tranh lành mạnh hơn. TP Đà Nẵng nhận thấy tỉ lệ vốn đầu tư trong đấu thầu qua mạng so với vốn đầu tư của TP còn rất nhỏ do quy định đấu thầu qua mạng thực hiện với các gói mua sắm thường xuyên và các gói nhỏ.

Hệ thống đấu thầu lạc hậu

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Vũ Đại Thắng cũng cho rằng để đạt mục tiêu đến năm 2025 như Thủ tướng Chính phủ đề ra (100% các thông tin đấu thầu phải đăng tải công khai trên hệ thống; 100% hoạt động mua sắm thường xuyên phải đấu thầu qua mạng và tối thiểu 70% các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu (không giới hạn gói thầu dưới 200 tỉ đồng) phải thực hiện trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia) thì còn rất nhiều thách thức.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, cho biết con số đạt được là rất ấn tượng song vẫn chưa đạt kỳ vọng và chưa đạt lộ trình Thủ tướng đặt ra (đến năm 2018 phải bảo đảm 40% các gói thầu chào cạnh tranh, 30% gói thầu quy mô nhỏ đấu thầu qua mạng), chưa nói đến mục tiêu năm 2025. Ông Tuấn phân tích việc tổ chức đấu thầu qua mạng hiện còn gặp rất nhiều khó khăn về hệ thống, kỹ thuật, năng lực của cán bộ thực hiện, nhận thức và thực thi chính sách. Trong đó, khó khăn lớn liên quan đến hệ thống. Hệ thống của Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia được xây dựng từ năm 2009 chỉ sử dụng trên nền tảng Internet Explorer; hiểu biết, năng lực, trình độ cán bộ còn hạn chế dù đã có 20.000 lượt đào tạo… Khó khăn lớn hơn là về nhận thức, vẫn chưa có niềm tin với hệ thống đấu thầu quốc gia vì còn quen phương thức truyền thống.

“Để thay đổi cách tư duy từ đấu thầu truyền thống sang đấu thầu qua mạng, đương nhiên trong giai đoạn đầu mọi người vẫn chưa hứng thú lắm. Vì khi triển khai đấu thầu qua mạng, mọi thứ đều minh bạch, rõ ràng, như thế làm gì còn góc khuất? Đó là một trong những lý do khiến đến nay chỉ khoảng 18% gói thầu được đấu thầu qua mạng” – ông Tuấn nhận định.

Hiện nay, trong 119 cơ quan thực hiện công tác đấu thầu vẫn còn 41 cơ quan, đơn vị chưa thực hiện gói nào. Bộ KH-ĐT đã đề nghị Thủ tướng có chỉ đạo mạnh mẽ, gắn kết trách nhiệm người đứng đầu với kết quả thực hiện đấu thầu qua mạng. Thời gian tới, Cục Quản lý đấu thầu sẽ đẩy mạnh thể chế hóa khung pháp lý để bảo đảm toàn diện, khoa học, mẫu hóa, cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu năng lực nhà thầu, hệ thống cơ sở dữ liệu các sản phẩm đã thực hiện trong quá trình thực hiện đấu thầu quốc gia…

Lãnh đạo HEM tham dự diễn đàn đấu thầu qua mạng năm 2018

Lãnh đạo HEM tham dự diễn đàn đấu thầu qua mạng năm 2018

Lãnh đạo HEM tham dự diễn đàn đấu thầu qua mạng năm 2018

Lãnh đạo HEM tham dự diễn đàn đấu thầu qua mạng năm 2018

Lãnh đạo HEM tham dự diễn đàn đấu thầu qua mạng năm 2018
Lãnh đạo HEM tham dự diễn đàn đấu thầu qua mạng năm 2018

Tin Khác